Năm 2021 – Giải Nhì
Tác giả: Nguyễn Trịnh Thảo Đan – 13 tuổi
Tuyển tập: Đóa hoa đồng thoại Vol.4
Nơi sống: Hà Nội
Hạng mục: THCS
Chủ đề: Gia đình
Minh họa: Beru Kuri
Bà nội có bàn chân rất kì lạ. Những ngón chân của bà choãi ra như cái chạc gỗ, quanh năm khô quạch nứt nẻ. Thỉnh thoảng về quê, Hà lại nghịch ngợm nắn mấy đầu ngón chân của bà rồi tỉ mỉ quan sát. Những lúc ấy, bà vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa cười phô hàm răng cái còn cái mất, mắng yêu: “Cha bố cô! Chân bà già lội ruộng, lạ lắm hả?”
Lạ nhất là quanh năm, dù mùa đông hay mùa hạ, lúc nào bà cũng đi chân đất. Chân bà dầm trong nước mưa tê buốt, chân bà liêu xiêu trên con đường đê trưa hè bỏng rát… Bà nói bà quen rồi, đôi bàn chân này đã đi qua bao nhiêu cay đắng cuộc đời thì chút nắng mưa có sá gì…
Từ ngày ông mất, sáng nào bà cũng dậy từ 3 giờ, ngồi cạnh bàn thờ ông rồi rì rầm trò chuyện như thể ông vẫn đang còn sống vậy. Vừa xong giỗ đầu của ông, bố Hà đưa bà lên thành phố vì sợ bà buồn nhớ ông.
Hôm bà lên cũng là lần hiếm hoi Hà thấy bà đi hài. Đôi hài thêu hoa rất đẹp khiến Hà cứ khen mãi, khen bà “ăn chơi” thế. Bà cười: “Bác Tâm mua đấy. Bác dặn bà lên thành phố đừng đi chân đất, không người ta cười cho. Nhưng mà bà đi không quen, khó chịu lắm!” Nói rồi, bà tháo luôn đôi hài và cất kĩ vào trong tủ.
Ngay sau đó, bà chân đất đi khắp xóm rổn rảng chào hỏi, biếu nhà này ít ngô, biếu nhà kia ít đỗ đen xanh lòng mang từ quê lên. Hàng xóm có người mời bà vào nhà uống chén nước làm quen, có người đứng ngay trước cửa trả lời bà vài câu qua loa rồi vội vàng đi làm, đi chợ. Được hàng xóm mời vào nhà, bà luôn chùi chân ở tấm thảm ngoài cửa thật cẩn thận rồi mới dám vào. Nhưng vết chân của bà vẫn in trên nền gạch bóng loáng. Chủ nhà cười nói tiếp chuyện nhưng đôi mắt thì cứ dán vào đôi chân bà – đôi bàn chân xấu xí với những kẽ nứt đen sì.
Đến chiều, bà chỉ chia quà được cho mấy nhà, các nhà khác đều đóng cửa im ỉm. Bà sốt ruột vì ngô mới bẻ sáng nay, phải luộc luôn thì mới ngon ngọt, để qua đêm ăn vừa khô vừa nhạt, lại vô duyên như gái ngủ trưa. Đứng trước cửa nhà hàng xóm, bà giục Hà ấn chuông nhưng mãi không có ai ra mở cửa dù Hà biết thừa là có người ở nhà. Thế rồi Hà lầm lì kéo tay bà về, còn bà thì cứ mãi lấn cấn với mấy túi ngô chưa kịp biếu.
Bọn trẻ con trong xóm mỗi lần nhìn thấy bà là lại đứng tụm lại một góc để chỉ trỏ, thầm thì, rồi có lúc cười ré lên. Em My của Hà hậm hực nói: “Chúng nó chê bà nhà quê, chân giống như chân phù thủy…” Hà vội che miệng My không cho em nói nữa, sợ bà nghe được sẽ buồn.
Chắc bà không nghe nên thấy đứa trẻ nào cũng gọi vào, lúc thì cho cái kẹo, lúc lại cho quả ổi. Trẻ con đứa nào cũng thích quà nên được mấy ngày là chúng đã thân thiết bám lấy bà.
Hôm đó, bà nấu nồi chè đỗ đen to tướng và chia cho mỗi đứa một cốc, cả bọn sung sướng ăn xì xụp. Hà và My mọi khi chẳng thèm ăn chè mẹ nấu mà hôm đó cũng chén sạch mỗi đứa một bát đầy. Vừa ăn vừa nghe bà kể chuyện ở quê ngày bà còn nhỏ vui ơi là vui, đứa nào đứa nấy cười lăn cười bò, răng thì dính toàn đỗ đen…
Trước lúc chia chè, bà đếm trẻ con trong xóm có tổng cộng mười hai đứa. Còn đứa nào nữa không? À có thằng Hoàng, nhưng thằng đó không tính. Thằng Hoàng là “hoàng tử cấm cung”, bố mẹ nó không cho chơi cùng “thường dân” đâu.
Nhà thằng Hoàng nằm đối diện với nhà Hà, to nhất phố, năm tầng màu trắng lộng lẫy như cung điện. Thỉnh thoảng lại thấy vài chiếc xe sang trọng đỗ trước cửa nhà, khách khứa ăn mặc đẹp như ngôi sao điện ảnh. Hàng xóm chưa ai được mời vào nhà nó chơi bao giờ nên tò mò lắm.
Bà bảo Hà mang chè sang cho thằng Hoàng, Hà nhất định không đi. Hôm bà mang ngô sang biếu, nhà thằng Hoàng rõ có người ở nhà nhưng chẳng thèm ra. Giờ mang sang làm gì, có khi họ đổ cho chó!
Hà không đi thì bà đi.
Hôm bà làm kẹo mạch nha, bà mang cả cho Hoàng nhưng không ai ra mở cửa. Hôm bà lại nấu chè, không ai ra nhận thì bà treo lên cổng sắt. Cái túi treo lủng lẳng cả ngày không ai đụng vào. Tối, mẹ thằng Hoàng về bực bội giật xuống ném vào thùng rác, chẳng may chiếc túi bung ra, chè đổ tung tóe cả ra đường.
Mẹ Hà cằn nhằn: “Mẹ làm mấy việc vô nghĩa đó làm gì! Mình nghĩ như thế là quan tâm, nhưng người ta thấy phiền. Người thành phố không giống dưới quê.” Bà cười cười, bảo tội nghiệp thằng Hoàng, nhưng trong mắt bà như có tầng mây mỏng màu xám xịt…
Thế rồi không hiểu bằng cách nào mà bà làm thân được với Hoàng. Hôm sinh nhật nó, bà nấu nồi chè đỗ đen “thương hiệu” rồi gọi cả lũ sang ăn. Nhìn thấy Hoàng, đứa nào đứa nấy mắt tròn mắt dẹt, tranh nhau hỏi chuyện. Hoàng bẽn lẽn trả lời. Cả đám lao nhao hỏi có phải nhà Hoàng dát vàng không? Cho cả bọn sang ngắm một lúc được không? Hoàng ngẫm nghĩ rồi gật đầu. Thế là cả đám hân hoan kéo cả bà đi cùng.
Nhà Hoàng đẹp quá, giống như cung điện trong chuyện cổ tích ấy! Cả bọn đang ngắm nghía thì mẹ Hoàng về. Mẹ nó tím mặt nhìn những vết chân dính khắp sàn nhà, trên tấm thảm lông cừu trắng muốt… rồi nhìn xuống đôi chân đen đúa đầy những vết nứt của bà nội. Mẹ Hoàng chẳng nói chẳng rằng, lôi nó ra đánh. Bà nội vào can, mẹ nó đánh càng dữ hơn, miệng không ngừng mắng chửi: “Sao mày dám đưa cái bọn khố rách áo ôm vào nhà…”
Tối hôm đó, bà nội ở trong nhà tắm rất lâu. Thấy cánh cửa khép hờ, Hà lo lắng ngó vào… Bà ngồi đó, lấy bàn chải kì cọ đôi chân đến bật máu. Hà vội lao vào giữ lấy tay bà, khóc lóc: “Bà ơi bà đừng chà nữa!” Bà nội không trả lời, cứ ngồi chà xát cái gót chân nứt nẻ, đen đúa của mình.
Trong phòng, tiếng cãi cọ của bố mẹ khi được khi mất vọng ra…
Từ đó, lũ trẻ trong xóm bị mẹ Hà cấm không cho sang nhà chơi nữa. Bà nội cứ chiều chiều lại bắc ghế ngồi nhìn ra cổng. Bà cũng không còn đi chân trần nữa. Mẹ Hà mua cho bà một đôi hài khác rộng và êm hơn.
Một ngày kia, bà nói bà nhớ quê, bảo bố mẹ Hà cho bà về. Rồi bà lầm lũi lê đôi hài mới trên sàn nhà. Sàn nhà bằng phẳng mà sao bước chân bà vấp váp như đứa trẻ đi còn chưa vững…