Bố chỉ cần là bố

Năm 2018 – Giải Ba

Tác giả: Trần Thủy Tiên – 13 tuổi
Tuyển tập: Đóa hoa đồng thoại Vol.1
Nơi sống: Hà Nội

Hạng mục: Trung học cơ sở
Chủ đề: Gia đình
Minh họa: Nguyễn Thành Vũ

Bố tôi là thợ xây. Công việc khá vất vả, nhất là khi phải thi công những công trình lớn ở ngoài trời. Bố tôi hay bị dị ứng da. Cứ mỗi mùa đông về, bụi xi măng bám vào da là toàn thân bố nổi mẩn đỏ. Mẹ tôi biết bao lần thuyết phục bố chuyển nghề. Ở thành phố này chẳng thiếu vì công việc nhẹ nhàng hơn cũng với mức thu nhập đó. Nhưng bố bảo, bố nhớ nghề lắm, không bỏ được. Nếu bỏ, chắc phải đợi tới lúc tuổi cao.

Có một đợt bố tôi nhận công trình ở Hải Phòng. Nhân tiện vừa được nghỉ hè nên tôi quyết định xin bố cho đi theo. Ban đầu, bố từ chối nhưng khi tôi khoe có thành tích cao trong kỳ thi vừa qua thì bố lại mềm lòng. Công trình phải mất ba tháng nhưng bố chỉ cho tôi đi theo một tuần mà thôi. Với tôi, một tuần cũng đã là nhiều lắm rồi!

Lần này tôi theo bố, tôi xin làm thợ phụ. Gọi là thợ phụ cho oai, chứ chủ yếu tôi phụ bố dọn cỏ dại, thi thoảng ra trộn vữa cùng mấy chú. Vào buổi tối thì tôi hay kể chuyện ở lớp cho các chú nghe. Vì ở Hải Phòng có biển nên tôi thường ra ngắm biển và hóng gió cùng với bố tôi. Đến hôm sắp về, tôi cùng bố ra biển ngắm những vì sao trên trời. Bố tôi kể cho tôi về những tai nạn nguy hiểm thường gặp khi bố đang thi công công trình, những câu chuyện buồn của các chú thợ xây phải xa gia đình triền miên. Rồi bố kể về tình yêu nghề của bố. Bố bảo rằng, nghề thợ xây vất vả quá nên nói yêu nó chẳng ai tin. Mùi của gạch, vữa, cảm giác háo hức khi công trình thành hình rồi dần hoàn thiện khiến bố chẳng cách nào quên được. Tôi đang bị mê hoặc vào câu chuyện của bố thì bố tôi hỏi:

– Con có xấu hổ khi có người bố làm nghề thợ xây không?

Tôi giật mình, ấp úng:

– Dạ, sao bố lại hỏi vậy?

Bố tôi mắt xa xăm nhìn ra biển, thở dài:

– Có nhiều người coi thường công việc của bố lắm! Họ nghĩ bố ít học nên mới phải làm những công việc chân tay nặng nhọc thế này. Thậm chí có người còn tưởng bố không biết chữ. Có một chú trong đội của bố kể rằng con chú ấy đi đâu cũng nói rằng bố nó làm kỹ sư xây dựng.

– Thế chú ấy có buồn không bố?

– Có chứ! Đi đường mà vô tình gặp con, chú ấy còn chẳng dám gọi tên nó, sợ nó xấu hổ với bạn bè.

Thấy tôi im lặng, một lúc lâu sau, bố lại hỏi:

– Thế con thì thế nào?

– Con ấy ạ? Thế nào là thế nào cơ ạ? Tất nhiên bố là bố thôi. Chẳng phải đó cũng là một nghề đáng quý sao? – Tôi cười nhìn bố.

Bố xoa đầu tôi, rồi dẫn tôi về để chuẩn bị cho ngày mai về Hà Nội.

Thực ra, tôi đã nói dối bố. Tôi cũng từng có ý nghĩ sao bố không làm việc khác đi, bố phải giỏi giang hơn và có một công việc đáng để tự hào hơn thế. Tôi cũng từng cảm thấy thất vọng khi thấy bố của tụi bạn người làm giảng viên đại học, người làm bác sĩ khoa Nhi,… cho đến khi tôi tận mắt nhìn thấy bố suýt ngã khi đang làm dàn giáo cho một ngôi nhà khang trang.

Giây phút ấy, tôi đã nhận ra, bố làm công việc gì, có oai phong không, có khiến người khác trầm trồ không,… không còn quan trọng nữa. Bố chỉ cần là bố, và bố luôn khỏe mạnh, an toàn là đủ rồi!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.